CityBay Palace Hotel

156 Lê Thánh Tông - Bạch Đằng - TP Hạ Long - Quảng Ninh

Tel: 0203.3621838 - 0203.3636338 - 0203.3635788

Email: citybaypalacehotel@gmail.com

Fax: 0203.3638199

0918.588.266

English

Tin tức

Nguồn gốc tên gọi một số địa danh tại Hạ Long

Tác giả : Nguyễn Tuấn Anh | 02 - 06 - 2019 | 12:29 PM | 3297 Lượt xem

Nếu là lần đầu tiên đến với Hạ Long hẳn là nhiều du khách sẽ cảm thấy bất ngờ khi người dân ở đây không định vị địa chỉ theo số nhà và tên đường như nhiều nơi khác. Nếu bạn hỏi người dân" 607 Lê Thánh Tông ở đâu?",  chưa chắc bạn đã nhận được câu trả lời. Tuy nhiên nếu bạn hỏi "khu Lán Bè ở đâu?" thì chắc chắn sẽ có câu trả lời cho bạn. Vậy tên những địa danh này có từ bao giờ? tại sao các địa danh này lại được gọi như thế? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!

1. Lán Bè

 

Lán Bè là tên gọi ngày xưa của một đoạn phố Lê Thánh Tông ngày nay, từ Bưu điện Hạ Long đến đường Kênh Liêm. Thời xa xưa, cụm dân cư sống ven bờ biển (sát với ngọn đồi có cột ăng ten của Viễn thông Quảng Ninh ngày nay) sống bằng nghề buôn bán tranh tre nứa lá từ mạn ngược. Các lái buôn đóng bè xuôi về Hon Gai bán cho dân làm nhà. Dân địa phương còn làm nhà sàn để trông coi bè. Vì thế gọi là Lán Bè!

2. Kênh Liêm

 

Kênh Liêm vốn là một vùng bãi sú vẹt ăn sâu vào đất liền. Khi thuỷ triều cạn, nơi đây trơ ra một bãi đá mồ côi, nối thông từ quốc lộ 18 (đường Nguyễn Văn Cừ) sang đường Cao Thắng bây giờ. Có một lạch nước ăn sâu vào khu dân cư quanh Nghĩa địa Đạo. Đoạn đường quốc lộ 18 ngang qua Văn phòng Công ty Than Núi Béo ngày nay, thời xưa có một cây cầu gọi cầu Kênh Liêm, trên đó có đường sắt cho tàu hoả kéo than từ mỏ Hà Tu về Nhà sàng Ba Đèo, là giới hạn phía đông heo hút ít người qua lại của thị xã Hòn Gai bé nhỏ ngày ấy. Hòn Gai phát triển, cây cầu nhỏ được dỡ bỏ, lạch nước được xây cống lớn để thoát nước thải, đường Kênh Liêm được mở rộng là đầu mối thông xe từ cầu Bãi Cháy ra quốc lộ 18. Bãi đá Kênh Liêm xưa đã thành ngã ba Kênh Liêm sầm uất của Hạ Long ngày nay.

3. Ba Đèo

Ba Đèo ( nay là đường Ba Đèo - đoạn dốc gần đường 25/4)  là tên gọi dãy núi đất, dãy núi có 3 mỏm cao nhất được quân Pháp xây dựng lô cốt canh phòng. Dưới 2 phía chân núi là các lán thợ, xóm thợ mỏ, rồi dần dần thành khu dân cư đông đúc. Nơi đây cũng là địa bàn hoạt động của những người cộng sản đi giác ngộ quần chúng thợ thuyền những năm từ 1930- 1945.

4. Khu cơ khí

Nhà máy Cơ khí Hòn Gai được xây dựng từ thời Pháp, khoảng những năm 1890 ( Nay là khu vực ở cuối đường Ba Đèo, gần lối dẫn lên cầu Bãi Cháy). Các cụ kể lại thời Pháp làm nhàn lắm, ngày tiện có khi chỉ hai cái bạc, phôi mang từ chính quốc sang. Nền xưởng sạch bóng, giẻ lau cũng trắng. Thợ tiện thường trốn xuống phố chơi, gặp xếp là chạy leo qua khu nhà sàng về xưởng. Cổng Cơ khí là hai lính tây đen canh. Lương trả cuối tuần, cả cơ khí có một người theo dõi phát lương (như thống kê và kế toán bây giờ).
Đến thời bao cấp, được vào làm ở cơ khí là một mơ ước với những bạn trẻ thời đó. Công nhân cơ khí thời ấy trông công tử nhất, Cơ Khí cũng là nơi có phong trào văn nghệ, thể thao phát triển nhất. Đội bóng Hồng quảng khi giải thể hầu như chuyển hết vào cơ khí. Trông ai cũng vạm vỡ không như cầu thủ đội tuyển quốc gia bây giờ. Nhiều thơ giỏi, khéo tay và nhiều tài lẻ: Vẽ, đàn, hát…

5. Cầu Bạch Long

Cây cầu sắt được xây dựng để di chuyển lên Ba Đèo. Đường 25/4 (đường bê tông) hiện nay trước là khu vực bãi than, đường tàu. Để lên được Ba Đèo có 2 còn đường, một đi theo đường cơ khí, hai là đi lên cầu Bạch Long. Sau này khu vực đường tàu được cải tạo lại và cầu Bạch Long bị dỡ bỏ.

6. Khu 3 tầng

Khu 3 tầng là những dãy nhà ở 3 tầng của công nhân nhà máy cơ khí và tuyển than ( Nay là khu phố đi bộ của Times City Hạ Long) . Đối diện với nó trước kia là cửa hàng mậu dịch, sau này thành 1 dãy cửa hàng bách hóa. Đến bây giờ thì khu 3 tầng và cửa hàng mậu dịch chỉ còn lại trong kí ức.

7. Núi Bài Thơ

Núi Bài Thơ, dãy núi án ngữ phía đông nam Hòn Gai ( Hạ Long) vốn xưa có tên gọi là núi Rọi Đèn (Truyền Đăng sơn). Tương truyền rằng, ngày xưa lính thú gác trên núi hễ có giặc giã đến thì đốt lửa báo về kinh thành, từ đó xuất hiện tên Truyền Đăng Sơn... Vào những năm 30 của thế kỷ 20, có một nhóm văn nghệ sĩ ở Hà Nội đến thăm núi đá, thấy có dấu tích bài thơ của vua Lê Thánh Tông còn lưu lại trên vách đá đã gọi tên núi là Bài Thơ, từ đó tên núi tồn tại đến ngày nay.
Ngoài bài thơ của vua Lê Thánh Tông (1468) còn có bài thơ của chúa Trịnh Cương (1729) và 7 bài thơ của những nhân sĩ khác sau này.

8. Rạp Bạch Đằng

 

Hiện nay là khu vực gần phố Rạp Hát và phố Cây Tháp, gần khách sạn Nam Đạt. Trước đây là rạp chiếu bóng Bạch Đằng - rạp của ông Khóe “chột”, một chủ tư nhân năm 1960 bị đấu tố “tư sản”, bi phẫn quá đã quấn đầy tiền cùng với chăn vào người và tẩm xăng tự thiêu. 
Trước cửa rạp có sân Cây Tháp - ở giữa có xây một cái tháp 5 tầng mang phong cách tháp ở các đền chùa Việt Nam và một hàng ghế bằng bê tông vòng tròn trước tháp để thỉnh thoảng các ông Tây bà đầm và các vị chức sắc Hon Gai ngồi nghe đội kèn đồng của lính Pháp chơi những bản nhạc Tây, sau năm 1965 các tháp bị phá bỏ vì chủ trương dẹp bỏ tàn dư phong kiến và thực dân. 

9. Giếng Đồn

Nay là phố Giếng Đồn - con phố nhỏ song song với đường Trần Hưng Đạo. Ở đây có một cái giếng rất sâu, cung cấp nước sinh hoạt cho cả khu dân cư lân cận vì ngày đó chưa có nước máy, thời Pháp thuộc có đồn lính khố xanh cạnh đó nên người dân gọi là giếng Đồn (Đồn Tây). Giờ giếng vẫn còn nhưng do người dân không có nhu cầu dùng nữa nên đã dùng tấm bê tông rất to che kín mặt giếng tránh tai nạn.
Hiện giếng này ở trong ngõ 2 Giếng Đồn, đối diện quán trà sữa Butterfly.

10. Phố Mới.

Là khu vực đường Trần Hưng Đạo bây giờ. Khu Phố Mới được hình thành ngay từ những năm đầu giải phóng khu Hồng Quảng (khoảng 1955-1956) . Chính quyền mới lúc bấy giờ xây dựng một khu dân cư mới chủ yếu cho công nhân lao động . Mặc dù toàn là những nhà cấp 4, mái ngói nhưng thời điểm bấy giờ là rất đẹp và khang trang. Cái tên Phố Mới xuất hiện từ thời điểm đó.

11. Loong Toòng

Loong Toòng là ngã tư dưới chân cầu Bãi Cháy, gần chợ Hạ Long 2, xuất xứ từ tiếng Pháp: Planton (đọc là plăng-tông, người Việt đọc chệch đi thành loong - toong (nghĩa là: Nhân viên “sai vặt” chuyền giấy tờ của một văn phòng); còn người Hoa kiều thì đọc là loong - toòng). 
Chuyện kể rằng, ngày ấy, thời Pháp còn khai thác than ở khu vực phường Cao Xanh, Cao Thắng bây giờ, ở đây có một ngọn đồi nhỏ được chủ mỏ đặt Văn phòng mỏ. Có một ông già làm chân loong toong cho văn phòng này. Ông già không gia đình, con cái, sống ngay tại khu đồi và chết già tại đây. Những người Hoa kiều đồn rằng ông già rất linh thiêng nên đã lập đền thờ và gọi là đền Loong Toòng… 
Sau này, khu đồi đã bị san gạt, lấy diện tích mở rộng đường vào Hà Lầm mà ngày nay gọi là đường Cao Thắng, nhưng cái tên ngã tư Loong Toòng thì vẫn tồn tại.

Khách sạn City Bay Palace nằm tại trung tâm thành phố Hạ Long. Với thiết kế sang trọng, phòng nghỉ tiện nghi sẽ là địa điểm thích hợp cho du khách nghỉ ngơi và khám phá thành phố Hạ Long. Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để nhận những ưu đãi tốt nhất.


Tag:
  • ,
  • Share: 

    Bạn nên xem thêm


    Hỗ trợ qua facebook